TÌM HIỂU “ANH EM CỘT CHÈO”

 12.12.2024


NHÂN MÙA CƯỚI 2024




Hai hoặc nhiều người làm rể trong một gia đình, các người đó gọi là ANH EM CỘT CHÈO hay ANH EM CỌC CHÈO, BẠN CỌC CHÈO. Miền Bắc gọi là ANH EM ĐỒNG HAO (theo “Tự điển đối chiếu từ địa phương”  của Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001). 


 Lật các quyển từ điể, tự điể, tực vị…. xem chú giải như thế nào: 

- Quyển “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (Nhà sách Khai Trí xb, SG, 1971) có từ CỘT CHÈO, và được giải thích: “Anh em bạn rể: Hai hoặc nhiều người làm rể một gia đình”. 


- Một số từ điển khác có chữ CỌC CHÈO, như: - “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình Tịnh Paulus Của (Nxb Trẻ, TP HCM, 1998) giải thích: “Khúc cây kềm theo be ghe, để mà chịu lấy cây chèo”. Và không có từ ANH EM CỌC CHÈO trong tự vị. - Quyển “Tự điển Tiếng Việt phổ thông” của Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Hoàng Phê chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975) cũng có từ CỌC CHÈO, và giải thích: “Anh em cọc chèo (cũng nói là Bạn cọc chèo, Anh em rể) có vợ là chị em ruột)”. - Quyển “Phương ngữ Nam Bộ” của Nam Chi Bùi Thanh Kiên (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015) có từ “Anh bạn rể (cũng gọi là Anh cột chèo) người đàn ông cưới chị vợ mình”. - Quyển “Từ điển Tiếng Huế” của Hà Minh Đức (Nxb Văn học, Hà Nội, 2009) có từ “Anh em cột chèo: Anh em bạn rể, cùng làm rể trong một gia đình. Người Huế có câu: “Cột chèo như ghế ba chân” để tỏ ý không bền vững. Cũng có câu ca dao Huế: “Chị em dâu như bầu nước lã/Anh em bạn rể như ghế ba chân”. Người Bắc gọi là đồng hao”….


 Tra qua các tự điển Trung Nam Bắc, chẳng có giải thích tại sao gọi là “cột chèo, cọc chèo, đồng hao…”.        

              

Dựa vào lời giải thích từ CỌC CHÈO của Paulus Của, có phải nhà vợ phải nhờ cậy các chàng rể để LÈO LÁI chuyện nhà bên vợ chăng? Nhất là nhà vợ chỉ toàn là con gái. 


Tục ngữ Việt Nam còn có câu: “Bố vợ là vớ cọc chèo, Mẹ vợ là bèo trôi sông”. Nhà nghiên cứu Trịnh Mạnh trong tác phẩm “Tiếng Việt lý thú” (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002), giải thích từ VỚ là từ cổ, hiện nay chỉ một số vùng còn dùng như ở Tam Kỳ (Quảng Nam). “Vớ là một vật kết bằng thừng, giống hình số 8, một nửa lồng vào mái chèo còn nửa kia lồng vào khấc ở đầu cọc chèo. Nếu không có cái vớ thì không chèo được, nếu buộc chặt mái chèo vào cọc chèo cũng không chèo được. Câu này có nghĩa là: tình cảm giữa bố vợ và chàng rể dù có buộc nhưng không chặt chẽ, khăng khít như con đẻ. Ý này rất hợp với câu thứ hai “Mẹ vợ là bèo trôi sông”. Bèo trôi sông cũng kết thành mảng nhưng kết không chặt, sóng to gió cả cũng dễ tan. Từ câu tục ngữ trên mới có từ “bạn cọc chèo” để chỉ hai anh rể lấy hai chị em ruột.”  Qua lời giải thích trên, và cũng theo lời giải thích của “từ điển Tiếng Huế” trên, ta có thể suy ra giữa hai anh em rể (ANH EM CỌC CHÈO) tuy có tình cảm, nhưng không chặt chẽ, khăng khít, có thể dễ tan. Cách gọi "anh em cọc chèo, cột chèo" mang đậm dấu ấn sông nước được cho là xuất phát từ cuộc sống của người miền Nam, nơi có nhiều sông, kênh rạch, việc di chuyển bằng xuồng, ghe rất phổ biến. 


Còn về miền Bắc, có "anh em đồng hao", có người giải thích rằng "đồng hao" là tên một loại rau dại có nhiều ở miền Bắc, còn gọi là rau cúc tần…, rau mọc hờ trên mặt đất, ít rễ, rễ ngắn, mọc rất cạn, dễ nhổ, chỉ cần kéo nhẹ đã có thể làm bật gốc cả nắm rau luôn. Hình ảnh này cũng ngụ ý mối quan hệ giữa hai anh em rể rất lỏng lẻo, có thể dễ dàng tách nhau. Đây là cách gọi của người miền bắc, nơi có nhiều loại rau này.


Ngô Văn Ban

(Ảnh Internet)